Nữ hoàng Cà phê Diễm Trang, Hoa khôi Hà Nội Thùy Dương, Hoa khôi Hằng Nga, Miss U League Phương Ngọc chuẩn bị chia tay quãng đời sinh viên. Mỗi người có một cảm xúc khác nhau khi phải rời xa mái trường đại học, xa những người thầy người cô đáng kính, xa bạn bè thân thương và xa những kỷ niệm suốt 4 năm gắn bó dưới mái trường yêu dấu.
Miss Teen Diễm Trang 2010: Nuối tiếc vì bỏ lỡ nhiều thời gian bên bạn bè
Tuy đã học hỏi được nhiều điều, rèn luyện các kỹ năng cần thiết nhưng cô gái tài năng Diễm Trang cho biết vẫn cảm thấy rất phấn khởi và không tránh khỏi một chút hoang mang khi chuẩn bị rời xa mái trường, chuẩn bị làm “người lớn”.
Trang chia sẻ: “Đến giờ, Trang cảm thấy mình tiếc nhất khi không có nhiều thời gian để tận hưởng những hoạt động vui chơi thời sinh viên: cắm trại, các ngày hội, picnic ở trường,… Vì vừa đi học, vừa tham gia các hoạt động xã hội rồi theo đuổi nghệ thuật nên Trang thấy tiếc mình đã bỏ lỡ những cơ hội bên bạn bè”.
Dù bận rộn với các công tác xã hội và nghệ thuật, song Diễm Trang vẫn hoàn thành tốt việc học của mình
Nhưng cũng nhờ những trải nghiệm từ rất sớm ấy mà cô bạn ngày một trưởng thành hơn. Đầu năm nhất đại học, Trang thi tuyển và trở thành thành viên cho một tổ chức sinh viên quốc tế và tham dự chuyến tàu thanh niên Đông Nam Á.
Đây là cơ hội để Trang rèn luyện các kỹ năng: làm việc nhóm, tổ chức sự kiện, lãnh đạo, nói trước đám đông, giao tiếp, xin tài trợ, lên kế hoạch,... Bên cạnh đó, được tiếp xúc với môi trường nước ngoài nên bạn cũng có cơ hội va chạm nhiều hơn với các nền văn hóa khác nhau, từ đó có được sự linh hoạt trong cách ứng xử và làm việc.
Cô là hình tượng các bạn trẻ muốn hướng tới: xinh đẹp, tài giỏi, năng động và nhiệt tình tham gia các hoạt động thiện nguyện
Đã vạch ra được con đường đi của mình sau khi tạm biệt cánh cửa đại học, Trang chia sẻ: “Khoảng một năm trở lại đây, nhận ra được sự yêu thích và đam mê trong lĩnh vực nghệ thuật nên mình theo đuổi công việc MC và diễn viên. Tuy rằng trái ngành nhưng Trang nghĩ đây sẽ là một bước khởi đầu tốt cho sự nghiệp kinh doanh của mình sau này”.
Hoa khôi Sinh viên 2011 Thùy Dương – Rèn luyện được ba yêu cầu của thanh niên thời đại mới
Đối với Dương, khoảng thời gian đại học là bốn năm bản lề cuộc sống. Hoa khôi Sinh viên Hà Nội chia sẻ: “Những ngày cuối cùng này, cảm xúc bồi hồi, xúc động và lưu luyến dường như là thường trực, rất giống cảm giác chia tay cấp ba trước đây. Kỷ niệm ùa về, rồi các kế hoạch chia tay hay cả chút lo lắng cho tương lai mởi mẻ. Mọi thứ đều rất đẹp.
Hoa khôi Thùy Dương năm nay cũng trở thành tân cử nhân Luật
Dương vẫn còn nhớ rất rõ kỳ học quân sự tại Mai Lĩnh. Chỉ cần nhắc tới hai chữ Mai Lĩnh, Dương và nhóm bạn thân đại học lại rôm rả ôn lại kỷ niệm cũ. Đó là lần xa nhà đầu tiên đồng thời cũng là lần đầu tiên Dương sống tự lập, sinh hoạt theo nền nếp quân đội, …
Bù lại, mọi thứ đều được bạn bè cùng chia sẻ, giúp đỡ. Mình nhớ nhất là những
trò đùa nghịch như: dọa ma đội gác đêm, tắt đèn nhưng thắp nến chơi bài,… Dương sẽ không bao giờ quên những ngày tháng ngập tràn tiếng cười đó”.
Mặc dù tham gia khá nhiệt tình các hoạt động ở trường nhưng cô bạn hiếm có cơ hội theo các chiến dịch tình nguyện xa và ít có thời gian để đi du lịch nên vẫn còn nhiều nơi cô muốn đặt chân tới.
Thùy Dương luôn giữ được hình tượng của một hoa khôi xinh đẹp, học giỏi
Dương chia sẻ về 3 yêu cầu đã tham khảo được đối với sinh viên thời nay: thái độ (A- Attitude), kỹ năng (S - Skill) và kiến thức (K – Knowledge). Cô tân cử nhân Luật bày tỏ: “Sau bốn năm đại học, mình đã cố gắng để học hỏi và rèn luyện ba tiêu chí đó. Sắp tới, mình mong muốn sẽ thực hiện được dự định luôn ấp ủ: học chuyên sâu hơn về ngành luật”.
Hoa khôi Sinh viên 2012 Hằng Nga – Trải nghiệm tình thương bên bạn bè, thầy cô
Bốn năm đại học với Nga là khoảng thời gian được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động phong trào đoàn thể, đồng thời cũng có cơ hội tiếp xúc với nhiều mối quan hệ xã hội nên càng ngày, cô càng trưởng thành hơn.
Hoa khôi Hằng Nga rất thích những hoạt động tình nguyện
Kỷ niệm khiến Nga nhớ nhất và không bao giờ quên đó là mùa hè tình nguyện phát triển đời sống văn hóa cơ sở tại xã Trung Sơn (tỉnh Tuyên Quang). Cô nữ sinh Đại học Văn hóa bày tỏ: “Khi ấy mình mới kết thúc năm học đầu tiên tại trường ĐH Văn hóa, được Đoàn thanh niên và Hội sinh viên trực tiếp tuyển chọn tham gia.
Với sức trẻ và nhiệt huyết của mình, 40 sinh viên và cán bộ giảng viên đã đến với một xã nghèo nhất cùng sống, lao động với người dân 10 ngày. Bên cạnh đó còn nhiều hoạt động khác như: dạy học, hát, múa, vẽ, võ và các môn văn hóa cho các em nhỏ.
Mặc dù điều kiện sinh hoạt ở đó rất khó khăn và thiếu thốn nhưng ngay khi bắt tay vào làm việc, cùng với sự giúp đỡ và yêu thương của người dân thì mọi người rất hăng hái nhiệt tình. Khi trở về, ai cũng cảm thấy hụt hẫng và nhớ nhau vô cùng. Đây là chuyến đi giàu tình thương và sự ấm áp nhất mình được trải nghiệm bên bạn bè, thầy cô”.
Hằng Nga sống tự lập từ sớm. Cô bắt đầu đi làm thêm từ năm thứ hai và hiện tại, Hằng Nga rất tự tin về kỹ năng, kiến thức xã hội của mình
Nga cho biết trong thời sinh viên cũng có nhiều dự định và đặt ra những kế hoạch phấn đấu cụ thể nhưng vì nhiều lý do nên không thể hoàn thành. Đây cũng là bài học lớn nên Nga rút ra một điều:“Hãy cố gắng hết sức để đạt được kết quả tốt nhất có thể, đừng để thời gian trôi qua mà phải đáng tiếc vì những điều không làm được”.
Miss U – League miền Bắc 2012 Phương Ngọc: Bài học làm người ở trường đại học
Với Ngọc, môi trường ĐH Ngoại thương đã rèn luyện và bồi đắp cho bạn rất nhiều bài học về kỹ năng sống và tình thương yêu. Đó là tình cảm và sự nhiệt tình chỉ bảo của các thầy cô đã dìu dắt cô bạn suốt 4 năm qua. Điều ấy là nguồn động lực rất lớn, giúp Ngọc tự tin hơn khi rời khỏi giảng đường để bắt đầu với cuộc sống mới.
Miss U – League miền Bắc 2012 Phương Ngọc áp lực khi vừa bước vào trường
Cô nữ sinh Ngoại Thương chia sẻ: “Mình theo học lớp Tiếng Nhật thương mại – đây là chuyên ngành rất khó đối với mình bởi chỉ khi vào đại học, mình mới bắt đầu tiếp xúc ngôn ngữ này nên việc học khá vất vả.
Bên cạnh đó, Ngọc còn sinh hoạt Đoàn thể, câu lạc bộ và đi làm thêm nên mệt mỏi và áp lực. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều bạn sinh viên. Những buổi học liên tiếp 4 – 5 tiếng đồng hồ, thấy sinh viên mặt tái nhợt đi, thầy cô dạy tiếng Nhật đã mua đồ ăn để sinh viên có sức học tiếp đồng thời bật nhạc để học trò thư giãn.
Những lúc giải lao, thầy tâm sự với trò để hiểu được tâm lý và mong muốn, ước mơ của chúng mình. Bài học làm người mới chính là bài học lớn nhất mà Ngọc học được từ trường Ngoại thương”.
Ngọc cho biết đấy cũng là lý do lớn nhất mà bạn muốn được đi học tiếp tại nước ngoài để tiếp nhận môi trường sư phạm từ các nước tiên tiến, sau đó về trường phấn đấu làm giảng viên để tiếp tục dìu dắt những đàn em đi sau.
Cô dự định sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục du học ở nước ngoài
Từng đạt giải Miss U League miền Bắc, danh hiệu này đối với Ngọc có ý nghĩa rất riêng: “Nó giúp mình tự tin vào bản thân hơn đồng thời học được cách tiết chế chính sự tự tin đấy để không trở thành kiêu ngạo – điều mà gần đây không ít bạn trẻ đang mắc phải”.
Ngọc luôn đặt mình vào tâm thế không bao giờ ngừng học hỏi và lắng nghe: “Không một trường lớp nào có thể đào tạo hết được những bài học cuộc đời cho sinh viên, quan trọng là mỗi người đã có nền tảng học vấn và cách tư duy độc lập để sẵn sàng đón nhận tất cả. Đôi khi những cú sốc nho nhỏ lại chính là động lực để chúng ta cố gắng bứt phá hơn”.